Tin tức

Vốn ngoại ráo riết tìm đường vào dự án chế tạo

24/06/2020 Lượt xem: 1341
 
 

Mong muốn hợp tác, đầu tư sản xuất tại Việt Nam

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, bà Jinying Zhang, Tổng giám đốc Công ty Pigeon, một doanh nghiệp sản xuất xe đạp hàng đầu tại Trung Quốc cho biết, nhu cầu về xe đạp của thị trường Việt Nam rất lớn, nên doanh nghiệp của bà không chỉ giới thiệu những sản phẩm mới, mà còn mong muốn hợp tác, đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Tại Triển lãm Vietnam Expo tổ chức hồi đầu tháng 12 tại TP.HCM, Công ty Pigeon đã mang sang 16 mẫu xe đạp và được khách hàng đặt mua hết. Chỉ sau đó vài ngày, Công ty có lịch làm việc với các đối tác tiềm năng để cùng trao đổi về kế hoạch hợp tác.

Mặc dù mới đây, doanh nghiệp sản xuất xe đạp hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) là Tập đoàn DDK cũng đã khởi công xây dựng một tổ hợp sản xuất tại tỉnh Bình Dương, với diện tích khoảng 80 ha, nhưng bà Jinying Zhang cho biết, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch của Pigeon tại thị trường Việt Nam.

“Công ty Pigeon có nhà máy sản xuất tại 29 tỉnh tại Trung Quốc, song chưa có cơ sở sản xuất nào tại khu vực ASEAN. Với những tín hiệu tốt tại thị trường Việt Nam, có thể tới đây chúng tôi sẽ xem xét đến việc đầu tư nhà máy sản xuất”, bà Jinying Zhang nói.

Ông Yu Xue Jun, Chủ tịch Công ty Tian Jin Zheng Fang nhận xét, tiềm năng của lĩnh vực cơ khí tại Việt Nam rất lớn. Do đó, công ty của ông đang có kế hoạch tìm hiểu về môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư… của lĩnh vực này. Nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ chọn TP.HCM để đặt cơ sở sản xuất. Được biết, Tian Jin Zheng Fang là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại máy biến thế điện và các sản phẩm do công ty sản xuất hiện đã được bán tại thị trường Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội nghị “Xúc tiến thương mại và đầu tư Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc tại Việt Nam” vừa tổ chức tại TP.HCM, ông Võ Tân Thành, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh TP.HCM (VCCI TP.HCM) cho biết, hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước tăng mạnh trong thời gian gần đây là lý do nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đến tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. Trước đây, chỉ các doanh nghiệp phía Nam Trung Quốc sang Việt Nam do gần gũi về địa lý, thì giờ đây có thêm nhiều doanh nghiệp tại Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc (là các địa phương ở phía Bắc của Trung Quốc) đã đến giới thiệu sản phẩm mới, tìm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp nội

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh cho biết, Công ty vừa quyết định đầu tư dự án tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) với vốn đầu tư đăng ký là 5,2 triệu USD, có mục tiêu chế tạo máy và khuôn mẫu chính xác.

Doanh nghiệp Việt lép vế khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI có cùng ngành nghề. Doanh nghiệp FDI mạnh hơn hẳn về tiềm lực tài chính, công nghệ, quản trị.

“Doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam có trình độ không thua kém doanh nghiệp nước ngoài, nhưng chỉ những người thực sự say với nghề mới mạo hiểm để đổ vốn lớn đầu tư. Hiện nay vẫn còn tồn tại chính sách “ngược”, làm cản trở, gây khó khăn cho sự phát triển của doanh nghiệp ngành cơ khí”, ông Tống nói.

Cụ thể, theo ông Tống, chính sách thuế nhập khẩu đang làm khó cho doanh nghiệp, khi mà máy móc nhập khẩu (nguyên chiếc) được hưởng thuế suất là 0%, trong khi các linh kiện, thiết bị mà doanh nghiệp nhập khẩu để lắp ráp, làm ra máy đó lại chịu thuế từ 10 - 15%. Đơn cử, các máy dược phẩm, thuế nhập khẩu nguyên chiếc là 0%, nhưng những nguyên vật liệu nhập để lắp ráp làm ra loại máy này như tấm thép không gỉ có thuế 10%, hay các linh kiện điều khiển tự động thì thuế nhập khẩu là 15%... Điều này đã làm chi phí sản xuất đầu vào của doanh nghiệp bị đẩy lên cao, dẫn đến kém khả năng cạnh tranh với sản phẩm ngoại.

Thêm một cái khó nữa là, doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI có cùng ngành nghề ngay tại “sân nhà”. Chưa tính đến yếu tố các doanh nghiệp FDI mạnh hơn hẳn về tiềm lực tài chính, công nghệ, quản trị… thì khi đầu tư vào Việt Nam họ đã có sẵn khách hàng nên chỉ lo việc sản xuất để cung ứng.

Đơn cử, các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản… hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (trong đó có rất nhiều doanh nghiệp cơ khí - PV) gần đây đầu tư vào Việt Nam rất nhiều vì trước đó đã có các tập đoàn lớn của nước họ đến triển khai dự án. Các tập đoàn này dĩ nhiên sẽ “ưu ái” cho các doanh nghiệp của nước họ nên khó có doanh nghiệp nào của Việt Nam chen chân vào được.